Virus gây bệnh dại (Rabies virus)
Virus dại thuộc nhóm Rhabdovirus.
- Virus dại đề kháng yếu với các nhân tố ngoại cảnh: ánh sáng mặt trời, tia cực tím, môi trường kiềm cao hoặc acid mạnh, các dung môi hòa tan lipid như: ether, natri desoxycholat, trypsin, formalin…
- Virus bền vững ở môi trường có glycerol; ở -70°C virus có thể tồn tại hàng năm.
- Khi tiêm vacxin phòng dại vào cơ thể, sau 10 ngày sẽ có kháng thể trung hòa trong máu và trong tế bào, kháng thể này tồn tại trong cơ thể khoảng 7 tháng, bảo vệ cơ thể bằng tác dụng trung hòa độc tố của virus dại.
- Kháng thể kết hợp bổ thể được hình thành sau 4 tuần tiêm vacxin nhưng hiệu giá thấp hơn so với kháng thể trung hòa. Kháng thể kết hợp bổ thể tồn tại trong cơ thể khảng 6 tháng.
Khả năng gây bệnh cho động vật
Tất cả các động vật máu nóng đều có thể nhiễm virus dại. Có hai thể bệnh thường gặp: hung dữ và liệt, kết thúc gây chết.
Ở những con vật bị bệnh, người ta tìm thấy virus trong não, trong tuyến nước bọt, hiếm thấy virus trong phủ tạng, trong máu.
Khả năng gây bệnh cho người
– Thời kỳ ủ bệnh thay đổi tùy thuộc vào vị trí vết cắn và độc lực của chủng virus, trung bình từ 1 – 3 tháng, sớm nhất là 10 ngày và lâu nhất là 1 năm.
Trong thời kỳ ủ bệnh, hầu như không có dấu hiệu báo trước, đôi khi có sốt nhẹ, nhức đầu, khó chịu, buồn nôn hoặc chảy nước mắt, nước mũi. Dấu hiệu có giá trị chẩn đoán ở thời kỳ này là dấu hiệu kiến bò tại vết cắn.
– Thời kỳ toàn phát: người bệnh bị kích thích trên mọi giác quan dẫn đến kết quả là sợ nước, sợ gió, sợ tiếng động và ánh sáng. Các cơ quan co thắt mạnh dẫn đến đau đớn, bệnh nhân có cảm giác bị đè nén, sợ hãi, lo âu, sau đó hưng phấn và cuối cùng dẫn đến giai đoạn liệt. Tất cả các bệnh nhân dại khi lên cơn đều bị chết trong tình trạng bị liệt cơ hô hấp và tuần hoàn.
Cơ chế gây bệnh
Virus dại thường xuyên có mặt trong hệ thống thần kinh trung ương và hệ thống thần kinh ngoại biên của động vật bị dại. Các tế bào thần kinh ở hạch giao cảm bị bong ra làm tuyến nước bọt bị nhiễm virus.
Khi bị các động vật bị dại cắn, virus từ nước bọt vào cơ thể qua vết cắn, nhiễm vào máu, từ đó virus đi tới các nơi như phổi, gan, thận…Ngoài ra virus tiến dọc theo dây thần kinh hướng tâm tới tủy sống rồi lên thần kinh trung ương. Virus dại nhân lên trong tế bào thần kinh, tủy sống và thần kinh trung ương. Sự nhân lên của virus trong tế bào đã xuất hiện một vật thể ưa acid trong bào tương của tế bào, đó là tiểu thể Negri, bản chất là các nucleocapsid tự do trong bào tương tập trung lại.
Không phải lúc nào các tế bào ở hạch giao cảm cũng bị bong ra, sự bong ra có tính chất không liên tục, vì vậy virus cũng được phóng thích từng đợt vào tuyến nước bọt chứ không liên tục. Virus có trong nước bọt của chó bị nhiễm khoảng 10 ngày trước khi chó bị chết vì bệnh dại.
Chẩn đoán vi sinh vật
Ít làm vì không có ý nghĩa cho việc điều trị, thường chỉ dùng 3 phương pháp để chẩn đoán vi sinh vật trên súc vật nghi bị dại.
Tìm tiểu thể Negri
Não của động vật được phết trên lam kính, nhuộm theo phương pháp Seller, quan sát bằng kính hiển vi, thấy tiểu thể Negri thường khu trú trong tế bào thần kinh sừng Amon, có kích thước khoảng 0,25 – 25 mm, bắt màu thuốc nhuộm Eosin.
Phân lập virus
Lấy nước dãi trong khi đang mắc bệnh hoặc não tử thi và não chó, tiêm vào não chuột nhắt trắng 2 – 3 ngày tuổi. Từ ngày thứ 7 trở đi chuột xuất hiện liệt mềm.
Chẩn đoán huỳnh quang tìm kháng nguyên
Nước dãi hoặc não cần xét nghiệm phết lên lam kính, nhuộm huỳnh quang với kháng thể đã biết. Bằng phương pháp này có thể chẩn đoán sớm, trước khi tiểu thể Negri tạo nên trong não.
Phòng bệnh và điều trị
Phòng bệnh
– Tiêu diệt những động vật bị dại hoặc nghi dại.
– Hạn chế nuôi chó. Nuôi chó phải xích hoặc nhốt không cho chạy rông ra đường.
– Tiêm vacxin phòng dại cho chó.
Điều trị dự phòng
Đối với người bị chó dại hoặc mèo dại cắn, cào chúng ta phải:
– Tiêm kháng huyết thanh chống dại (SAR) dưói da, phía trên vết cắn trong vòng 72 giờ với liều lượng 40 đơn vị / kg cân nặng.
– Sau đó 1 – 2 ngày, tiêm vacxin phòng dại. Tùy vacxin mà có cách tiêm và liều lượng khác nhau. Vacxin phòng dại cho người hiện nay hay được dùng là vac xin sống giảm độc lực Fuenzalida.
Xử lý người bị chó nghi dại cắn
– Tại chỗ:
+ Nặn máu ở vết cắn, rửa sạch vết thương bằng nước xà bông 20%, bôi cồn iod hoặc rửa bằng chloramin 5%, đắp huyết thanh kháng dại. Không khâu vết thương.
+ Nếu vết cắn ở vào chỗ nguy hiểm (gần đầu, vết thương sâu) thì tiêm ngay huyết thanh kháng dại rồi tiếp tục tiêm vacxin phòng dại.
+ Nếu vết cắn bình thường (xa đầu, nông) thì theo dõi chó: nếu sau 10 ngày chó vẫn sống, ăn uống bình thường thì không cần tiêm vacxin; nếu chó bị chết thì phải tiêm huyết thanh và vacxin ngay.
– Theo dõi chó:
+ Chó còn khỏe: nhốt chó, theo dõi 10 ngày. Nếu trong thời gian theo dõi, chó có biểu hiện dại thì tiêm vacxin. Sau 10 ngày, nếu chó vẫn khỏe thì không tiêm vacxin.
+ Chó chạy mất hoặc bị đánh chết: xử lý như đối với chó đại.
+ Chó con cắn thì phải tiêm vacxin ngay vì dấu hiệu dại ở chó con không rõ ràng