Tìm hiểu về Trung tâm Y tế dự phòng

Tìm hiểu về Trung tâm Y tế dự phòng

Nếu hỏi bác sĩ YHDP có thể làm việc ở đâu thì cơ quan đầu tiên được kể đến phải là Trung tâm Y tế dự phòng (TT YTDP).

Trong hệ thống y tế của nước ta hiện nay thì ở mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có 1 TT YTDP tuyến tỉnh, còn ở tuyến huyện thì có 2 mô hình mà tùy theo điều kiện ở mỗi địa phương mà áp dụng 1 trong 2 mô hình đó:
– Mô hình 1: Bệnh viện huyện làm mảng điều trị, Đội YTDP làm mảng dự phòng, 2 thành phần cùng tồn tại trong 1 cơ quan gọi chung là Trung tâm y tế huyện. Như vậy ở đây không có TT YTDP huyện mà có Đội YTDP
– Mô hình 2: Bệnh viện và TT YTDP huyện tách riêng thành 2 cơ quan độc lập, như vậy cơ quan làm YTDP ở tuyến huyện không phải là Đội YTDP nữa mà là TT YTDP huyện.
Mở đầu dài dòng như vậy là để các bạn dễ hiểu khi tôi nói đến những phần sau, về cơ bản thì trung tâm gồm nhiều chuyên khoa, người ở khoa nào thì được đào tạo chuyên về khoa đó và thường chỉ làm việc liên quan đến khoa đó mà thôi, nhưng còn ở Đội YTDP thì ít nhân lực nhưng lại phải đảm nhận tất cả các lĩnh vực, nên 1 người phải lo nhiều mảng, nhiều chuyên môn khác nhau.
Sau đây tôi xin mô tả một vài nét về một Trung tâm YTDP tuyến tỉnh, mà cụ thể ở đây là nơi mà tôi đã đi tham quan, nó có thể sẽ khác với nơi bạn biết, nếu vậy thì hãy cùng thảo luận nhé.
Một TT YTDP tuyến tỉnh thường có 2 phòng và có thể có 7 khoa:
– Phòng Tổ chức hành chính: đảm nhận việc quản lý tài sản cơ quan, các vấn đề hành chính, nhân sự…
– Phòng Kế hoạch tài chính: lo việc thu, chi về tài chính, lập kế hoạch tài chính…
– Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm: quản lý các dịch bệnh lưu hành tại địa phương như tả, thương hàn, sốt rét, sốt xuất huyết, các bệnh dịch mới nổi như SART, cúm H5N1… và thực hiện chương trình Tiêm chủng mở rộng.
– Khoa Sức khỏe cộng đồng: khoa này phụ trách các vấn đề về phân-nước-rác như là chuyện đánh giá chất lượng nguồn nước, chất lượng hố xí, xử lý rác thải…; ngoài ra khoa này cũng phụ trách mảng về y tế trường học như là đánh giá môi trường học đường và sức khỏe học sinh.
– Khoa Dinh dưỡng – Vệ sinh an toàn thực phẩm: có nơi khoa làm cả 2 mảng Dinh dưỡng và ATTP, nhưng có nơi ATTP lại tách ra thành trung tâm riêng nên khoa chỉ làm về dinh dưỡng. Khoa này lo việc dinh dưỡng của cộng đồng như là phòng chống suy dinh dưỡng, chống thiếu Vitamin A, điều tra, đánh giá suy dinh dưỡng, béo phì…
– Khoa Xét nghiệm: lo việc xét nghiệm vi sinh, hóa sinh, hóa lý…, đặc điểm của khoa này là làm việc thường xuyên trong phòng labo, chế độ phụ cấp độc hại cũng cao hơn các khoa khác (hình như là 60% lương).
– Khoa Sức khỏe nghề nghiệp: như đã miêu tả ở phần trước, khoa SKNN đảm nhận việc giám sát môi trường lao động và kiểm tra sức khỏe của người lao động. Đặc điểm của khoa này là các bác sĩ sẽ được khám bệnh, thực hiện các xét nghiệm cần lâm sàng. Ở những địa phương có nhiều khu công nghiệp và khoa SKNN được trang bị nhiều máy móc hiện đại thì khoa SKNN sẽ là khoa “kiếm tiền” được nhiều nhất với những hợp đồng với các công ty, xí nghiệp. Tuy nhiên không phải ở đâu cũng được như vậy, điều này còn tùy thuộc vào khả năng của TT YTDP ở mỗi tỉnh nữa.
– Khoa Kiểm dịch quốc tế: với những tỉnh có cửa khẩu, sân bay, hải cảng thì khoa này rất phát triển; cán bộ công tác ở khoa này cũng sẽ có những đặc quyền trong việc cấp phép/không cấp phép lưu thông đối với các tàu thuyền hay hành khách.
– Khoa Nội tiết – Sốt rét: đối với một số tỉnh thì chỉ là Khoa Nội tiết vì Sốt rét không phải là vấn đề trọng tâm. Khoa này phụ trách quản lý các bệnh nội tiết trong cộng đồng như tăng huyết áp, đái tháo đường, phòng bướu cổ. Việc sàng lòng tiền tăng huyết áp, tiền đái tháo đường có vai trò rất quan trọng nên hiện nay khoa này cũng được đầu tư rất nhiều, khoa này cũng thích hợp với những người yêu thích mảng lâm sàng các bệnh không truyền nhiễm.
Trên đây là những nét tổng quan về các khoa của 1 TT YTDP, bạn muốn làm việc trong lĩnh vực nào? Dinh dưỡng hay nội tiết, hay là xét nghiệm?
Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả vấn đề, 1 điều nữa quan trọng không kém là địa phương bạn muốn làm việc có khoa đó hay không, khoa đó phát triển hay không? Chẳng hạn nếu muốn làm về SKNN thì bạn phải tìm đến những tỉnh có nhiều khu công nghiệp và khoa SKNN ở đó phát triển, muốn làm về kiểm dịch quốc tế thì phải tìm những tỉnh có cửa khẩu, hải cảng, sân bay quốc tế…
Một điều nữa mà các bạn cũng cần phải lưu ý, đó là những kỹ năng mà 1 người làm YTDP cần có, ngoài những kỹ năng cơ bản như tin học, ngoại ngữ thì dù làm khoa nào BS YHDP cũng cần phải có 1 số kỹ năng như:
– Lâm sàng, cận lâm sàng: tùy theo từng lĩnh vực chuyên môn mà mức độ đòi hỏi khác nhau nhưng nhất thiết BS YHDP phải có những kỹ năng, kiến thức về lâm sàng, cận lâm sàng thì mới có thể làm tốt công việc được.
– Làm việc với cộng đồng: đó là ở vấn đề giao tiếp, tiếp xúc, sự am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng; chẳng hạn làm về phòng chống sốt rét thì phải am hiểu phong tục ngủ mùng, ngủ nhà sàn của người dân, phòng chống suy dinh dưỡng thì phải hiểu về tập quán chăm sóc trẻ, cho bú, cho ăn dặm của cộng đồng chứ nếu chỉ ngồi tác động trực tiếp vào bà mẹ thì không có hiệu quả được.
– Thống kê, nghiên cứu khoa học: không chỉ phục vụ cho nhu cầu học lên cao, nâng cao bằng cấp, trình độ mà những kỹ năng này còn tạo thêm thu nhập cho BS YHDP, bởi làm YTDP thường có rất nhiều chương trình, dự án; nếu có những kỹ năng về điều tra số liệu, về lập kế hoạch, về nghiên cứu… thì người BS YHDP sẽ có nhiều cơ hội để tham gia các chương trình, dự án đó.

Leave a Reply