Siêu âm ổ bụng có cần nhịn ăn?
BS. Trần Văn Phúc
Ăn chay và nhịn là nguyên tắc đầu tiên của y học!
Nguyên tắc này cũng được các bác sĩ áp dụng trong siêu âm để chẩn đoán các bệnh lí trong ổ bụng.
Hầu hết các bác sĩ đều hướng dẫn bệnh nhân trước khi làm siêu âm ổ bụng cần phải nhịn ăn uống. Một số bác sĩ lấy lí do bệnh nhân đã ăn để từ chối thăm khám siêu âm, ngoại trừ những trường hợp cấp cứu phải làm ngay.
Theo các bác sĩ, bữa ăn cuối cùng cách thời điểm làm siêu âm tối thiểu là 6 tiếng, lí tưởng nhất là bệnh nhân nhịn được trên 12 tiếng.
Nhịn ăn để túi mật căng đầy dịch mật, để dạ dày và ruột non không có nhiều hơi gây cản trở sóng âm, để thức ăn trong ống tiêu hóa không che lấp các tạng gây bỏ sót tổn thương.
Khi ống tiêu hóa không bị căng đầy thức ăn và hơi, bác sĩ sẽ dễ dàng hơn cho việc sử dụng đầu dò siêu âm tần số cao để khắc phục độ phân giải hình ảnh kém với đầu dò tần số thấp, điều này cho phép phát hiện những tổn thương sớm của các tạng và ống tiêu hóa.
Những trường hợp quan trọng cần thiết phải nhịn ăn để siêu âm, như bệnh lí túi mật nếu ăn vào dịch mật hết sẽ khó đánh giá, bệnh lí tuyến tụy dễ bị che lấp bởi hơi cùng với thức ăn trong dạ dày và ruột, siêu âm ống tiêu hóa, siêu âm các mạch máu như động mạch chủ, động mạch thận, hay các động mạch khác.
====================
Tôi đồng ý với hướng dẫn ở trên nhưng vẫn có ngoại lệ!
Đầu tiên là trẻ em, nhất là những trẻ nhỏ, sẽ không thể nhịn ăn nổi trên 6 giờ để thực hiện thăm khám siêu âm. Và thực tế, đã có một số nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ nhịn ăn hoặc ăn trước khi siêu âm, không có sự khác biệt về chất lượng hình ảnh và kết quả chẩn đoán.
Bản thân tôi khi siêu âm trẻ em từ sơ sinh cho đến 18 tuổi, do thành bụng mỏng và ít mỡ không gây cản âm, nên tôi nhận thấy các hình ảnh giải phẫu luôn rõ ràng trên siêu âm. Bởi vậy mà việc bắt trẻ nhịn ăn là không cần thiết.
Một số trường hợp bệnh lí đặc biệt, ví dụ như chẩn đoán teo đường mật bẩm sinh bác sĩ phải thăm khám siêu âm ở 3 thời điểm là nhịn bú hơn 3 giờ, sau bú 15 phút và sau bú 60 phút để đo sự thay đổi kích thước của chiều dài túi mật.
Những trẻ nghi ngờ có trào ngược dạ dày thực quản, khi siêu âm bắt buộc phải làm đầy dạ dày bằng sữa để tìm luồng trào ngược.
Thứ hai, tôi muốn đề cập đến đối tượng là người lớn.
Với những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, hoặc bệnh nhân phải di chuyển từ một nơi rất xa đến khám, bệnh nhân không có khả năng nhịn đói, bệnh nhân có xu hướng lượng đường máu thấp khi đói; thì nhịn ăn có thể sẽ gây ra nguy hiểm.
Đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng, với những thế hệ máy siêu âm tốt hiện nay, kết quả siêu âm ổ bụng không có sự khác biệt giữa nhóm bệnh nhân nhịn ăn và bệnh nhân có ăn uống trước khi thực hiện kĩ thuật.
Khi bệnh nhân không thể nhịn ăn để làm siêu âm, thì bác sĩ khuyên bệnh nhân có bữa ăn nhẹ với những đồ ăn dễ tiêu. Nên tránh những đồ ăn thức uống tăng sinh hơi, như rượu bia, nước uống có ga, nước trái cây, sữa, các chất kích thích như trà hay cà phê.
Chế độ ăn nhiều đạm và chất béo cũng ảnh hưởng đến kết quả siêu âm. Tốt nhất bệnh nhân duy trì ăn chay hoặc hạn chế ăn thịt động vật và những đồ chiên rán trong 3 ngày, để không gây hiện tượng tăng sinh hơi trong ống tiêu hóa, không gây cản âm bởi chính đạm và chất béo của thức ăn.
—————-
KẾT LUẬN
=========
Nhịn ăn 6 – 12 tiếng trước siêu âm là tốt nhưng không cần thiết phải tuân thủ tuyệt đối. Bệnh nhân vẫn có thể ăn trước siêu âm, nhưng ăn nhẹ, nên thực hiện chế độ ăn theo xu hướng ăn chay, tránh dùng các chất sinh hơi như rượu bia, nước có ga, nước uống có đường sữa, nước hoa quả, các chất kích thích như trà hay cà phê.
