Mắt và bệnh cao huyết áp
Để hiểu rõ tác động của tăng huyết áp toàn thân trên hệ thống mạch máu võng mạc, bệnh lý võng mạc tăng huyết áp nên được phân chia thành hai:
– Những biến đổi do xơ cứng tiểu động mạch.
– Những biến đổi do tăng huyết áp.
1.1.1. Xơ cứng tiểu động mạch
Mặc dầu tuổi già gây ra tình trạng xơ dày tiểu động mạch, song chính chứng tăng huyết áp kéo dài (huyết áp tâm trương cao hơn 100mmHg) sẽ làm nhanh tiến trình này.
Tình trạng xơ dày thành tiểu động mạch võng mạc tạo nên những dấu chứng đáy mắt đặc thù của bệnh xơ cứng tiểu động mạch và có thể phản ánh tình trạng của tiểu động mạch ở mọi nơi khác trong cơ thể.
Trong hình ảnh soi đáy mắt, tình trạng dày và xơ hóa thành mạch máu sẽ biến đổi theo tiến trình của bệnh xơ cứng tiểu động mạch.
– Giai đoạn I: ánh phản chiếu trung tâm của thành tiểu động mạch gia tăng độ rộng.
– Giai đoạn II: ánh phản chiếu trung tâm chiếm gần hết độ rộng của mạch máu, hình ảnh này được gọi là động mạch hình sợi dây đồng.
– Giai đoạn III: nếu tình trạng xơ hóa tiếp tục, ánh phản chiếu hoàn toàn không thấy được, tiểu động mạch có màu trắng và được gọi tên động mạch hình dây bạc.
– Giai đoạn IV: mạch máu xơ hóa hoàn toàn, trở thành dải xơ nhỏ màu trắng.
Do tiểu động mạch và tĩnh mạch có chung một màng bọc bên trong tổ chức võng mạc tại chỗ bắt chéo, những biến đổi bắt chéo động tĩnh mạch có thể quan sát được trong quá trình phát triển xơ cứng tiểu động mạch.
Tại chỗ bắt chéo, tĩnh mạch có thể bị che khuất, đẩy lên hoặc sâu xuống, giãn rộng đoạn xa gốc bởi tiểu động mạch.
Trường hợp trầm trọng, tĩnh mạch có thể bị bẻ thẳng góc đột ngột trong lộ trình khi tiếp xúc với tiểu động mạch. Những tổn thương này có thể đem đến tình trạng tắc nhánh tĩnh mạch võng mạc, làm giảm thị lực và đòi hỏi điều trị bằng laser trong một số trường hợp.
Biến chứng mắt do tăng huyết áp thường gây nguy hiểm.
1.1.2. Mắt và bệnh cao huyết áp
Một tình trạng tăng huyết áp mức độ trung bình tạo ra sự co thắt tiểu động mạch (giai đoạn I và II). Một tình trạng tăng huyết áp mức độ trầm trọng (áp suất tâm trương cao hơn 120mmHg) gây ra sự hoại tử dạng fibrin của thành mạch, tạo ra những xuất tiết nốt dạng bông, xuất huyết hình ngọn lửa và đôi lúc phù nề những vùng võng mạc rộng (giai đoạn III).
Trong hình thái trầm trọng nhất của bệnh lý võng mạc tăng huyết áp, tăng huyết áp ác tính, đĩa thị sẽ sưng gồ giống như tình trạng thấy được trong phù gai thị (giai đoạn IV).
Những biến đổi mạch máu võng mạc do tăng huyết áp cấp có thể bị ảnh hưởng che khuất bởi sự xơ cứng tiểu động mạch (tình trạng dày và xơ hóa của thành mạch chống lại hiện tượng hoại tử dạng fibrin).
Mục tiêu nguyên phát trong xử trí tăng huyết áp toàn thân là kiểm soát đầy đủ áp suất máu để bảo toàn sự ổn định của tuần hoàn não, tim và thận.
Một sự tăng đột ngột trong áp suất máu có thể ảnh hưởng tuần hoàn võng mạc và hắc mạc tạo ra tình trạng mất thị giác hoặc thị trường.
Trong những tình huống này áp suất máu nên được làm giảm trong một chừng mực được kiểm soát vì một sự giảm đột ngột trong sự tưới máu mô có thể tạo ra hoại tử thần kinh thị và mất thị giác vĩnh viễn.
Mắt và bệnh cao huyết áp- Bộ môn mắt – ĐH Tây Nguyên