Hyoscin butylbromid

Tên chung quốc tế: Hyoscine butylbromide

Dạng thuốc và hàm lượng: Viên bao 10 mg; Thuốc tiêm 20 mg/ml.

Chỉ định: Làm giảm triệu chứng rối loạn ở đường tiêu hoá và đường tiết niệu – sinh dục do co thắt cơ trơn.

Chống chỉ định: Glôcôm góc đóng; nhược cơ nặng; tắc liệt ruột; hẹp môn vị; phì đại tuyến tiền liệt; rối loạn chuyển hoá porphyrin.

Thận trọng: Trẻ em và người già; hội chứng Down; trào ngược dạ dày – thực quản; ỉa chảy; viêm loét kết tràng; nhồi máu cơ tim cấp; tăng huyết áp; cường giáp; suy tim; phẫu thuật tim; sốt; mang thai và cho con bú (Phụ lục 2 và 3). Do thuốc gây rối loạn điều tiết mắt, nên phải thận trọng khi làm các công việc nguy hiểm hoặc lái tàu xe.

Liều lượng và cách dùng

Người lớn: Uống mỗi lần 20 mg, ngày 4 lần; trẻ em 6 – 12 tuổi: uống mỗi lần 10 mg, ngày 3 lần .

Hội chứng ruột kích thích: uống mỗi lần 10 mg, ngày 3 lần; tăng lên mỗi lần 20 mg, ngày 4 lần nếu cần thiết.

Co thắt cấp và co thắt trong quá trình chẩn đoán: Người lớn: tiêm bắp hoặc tĩnh mạch 20 mg/lần, có thể nhắc lại sau 30 phút nếu cần thiết. Liều tối đa là 100 mg trong 24 giờ. Không dùng đường tiêm ở trẻ em.

Tác dụng không mong muốn: Táo bón; chậm nhịp tim thoáng qua (sau đó nhịp tim nhanh; đánh trống ngực; loạn nhịp); giảm bài tiết dịch phế quản; bí đái; khô miệng; đỏ và khô da; rối loạn điều tiết mắt.

Quá liều và xử trí:

Triệu chứng: bí đái, khô miệng, nhịp tim nhanh, rối loạn thị giác, hạ huyết áp thế đứng.

Xử trí: Rửa dạ dày, dùng than hoạt, sau đó dùng magnesi sulfat (Nếu dùng đường uống). Dùng thuốc pilocarpin hoặc neostigmin khi cần thiết. Tiến hành các biện pháp điều trị hỗ trợ.

Độ ổn định và bảo quản: Bảo quản thuốc viên dưới 25 oC, nơi khô ráo, tránh ánh sáng; bảo quản thuốc tiêm dưới 30 oC, tránh ánh sáng.

Leave a Reply