Hôm rồi ngồi uống cà phê với anh bạn, anh bảo chỗ anh có một bác sĩ y học dự phòng vừa ra trường mới về làm, tốt nghiệp loại giỏi luôn, mà mỗi lần cơ quan có tập huấn hay báo cáo chuyên đề gì thì bạn ấy phát biểu, thảo luận kinh lắm.
Nói mới nhớ, hồi xưa Cactus cũng hay hỏi lắm. Cactus học hành cũng được bạn bè khen là học giỏi, được thầy cô đánh giá là có tiềm năng phát triển về sau, lại là người theo chủ nghĩa tự tin nên chẳng bao giờ Cactus biết bi quan, ngại ngùng là gì hết. Hồi đi học, Cactus rất thích những giảng viên đặt câu hỏi cho sinh viên trả lời và chịu khó trả lời những câu hỏi của sinh viên, học những người đó thú lắm. Thường thì Cactus ít khi hỏi liên quan đến bài giảng, vì những cái thầy cô giảng có trong giáo trình cả rồi, mình mà đem ra hỏi nữa thì thường quá, không khéo lại có đứa ác miệng bảo mình không biết đọc, nên Cactus thường hay có những câu hỏi liên hệ với thế giới, với lịch sử. Có lần có cô giáo trẻ giảng về châm cứu và các huyệt vị, Cactus thấy bài giảng của cô giáo giống trong giáo trình hết trơn nên đâm chán, ngồi vò đầu bứt tai tìm câu hỏi để hỏi, rồi Cactus giơ tay hỏi tới tấp cô những câu hỏi như tại sao khi bị điểm huyệt thì sẽ bất động mà khi châm cứu thì không sao, liệu có thể điểm huyệt để cầm máu, trị thương không, tại sao các nhân vật trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung khi có võ công cao cường thì cũng sẽ biết chữa bệnh, tại sao Trương Vô Kỵ trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký bị trúng Huyền Minh Thần Chưởng nguy hiểm tính mạng mà khi luyện Cửu Dương Thần Công lại có thể phục hồi… Cô giáo nghe xong mà choáng váng mặt mày, nước mắt lưng tròng bảo rằng cô chỉ biết phim Hàn, biết nhân vật bị chảy máu mũi thì sẽ bị ung thư chứ có biết Kim Dung, điểm huyệt, Cửu Dương, Cửu Âm gì đó đâu. Lại nhớ có lần ngồi học đến hơn 11 giờ rồi mà Cactus vẫn còn nêu câu hỏi, suýt nữa bị mấy bạn trong lớp đánh đòn vì tội hỏi dai trong khi ai cũng đã đói bụng. Nhưng không phải lúc nào Cactus cũng được hỏi, có những thầy cô chỉ mải giảng bài, chẳng bao giờ cho sinh viên đặt câu hỏi, hoặc có khi cho các bạn khác hỏi câu này câu khác nhưng hễ thấy Cactus giơ tay là gạt đi, Cactus chán chẳng thèm học, nói mấy thầy cô giảng bài mà không cho em hỏi thì em hổng ưng.
Rồi Cactus cũng đi làm ở trung tâm y tế dự phòng của tỉnh nọ, mới làm được một tuần mà danh tiếng đã nổi như cồn. Ở tỉnh, ở huyện ai ai cũng nghe đến tên Cactus hết, có người nể Cactus lắm, phong cho Cactus làm giáo sư nữa kia. Chuyện là trong tuần đầu tiên Cactus đi làm, cơ quan có mở một lớp tập huấn về tiêm chủng và mời chuyên trách tiêm chủng mở rộng ở cả 20 huyện về tham dự. Cactus làm ở khoa Nội tiết – Sốt rét chẳng liên quan gì về tiêm chủng nhưng thầm nghĩ mình là nhân viên mới, dù không làm gì về tiêm chủng nhưng cũng phải thể hiện cho mọi người lác mắt mới được, chứ không họ lại tưởng mình không biết gì về tiêm chủng để rồi mà khinh. Cho nên Cactus năn nỉ lãnh đạo cho tham dự buổi tập huấn này cho bằng được. Hôm đó, anh bác sĩ ở khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm – Vắc xin sinh phẩm trình bày bài giảng về tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản (VNNB), ảnh mới trình bày xong thì các huyện nhao nhao ý kiến, có người thì nêu khó khăn ở tuyến xã, người thì nói trước giờ tiêm nhiều loại vắc xin rồi, nay tiêm thêm VNNB nữa thì mệt lắm… Cactus ngồi bĩu môi, nghĩ thầm mấy cô, mấy chú chưa làm mà đã sợ, hỏi gì về chuyên môn sâu thì không hỏi mà cứ kêu khó, kể khổ gì đâu á. Nghe hỏi đáp về mấy cái bảo quản vắc xin, liều lượng, đường tiêm chán quá, Cactus mới giơ tay hỏi “anh ơi, em được biếttiêm vắc xin VNNB thì phải tiêm đến 15 tuổi mới có miễn dịch lâu dài, mà sao nãy giờ em thấy các anh chị chỉ nói chuyện tiêm mũi 1, mũi 2 và mũi 3 mà sao không nghe thấy nói đến các mũi khác vậy?” Cactus vừa dứt câu hỏi thì cả hội trường bắt đầu xầm xì to nhỏ, chắc họ thấy câu hỏi của Cactus hay quá mà. Anh bác sĩ chuyên trách tiêm chủng khẽ mỉm cười rồi ôn tồn bảo “bác Cactus nói đúng đấy, vắc xin VNNB được tiêm cho trẻ đủ 12 tháng tuổi, mũi 2 cách mũi 1 từ 1 đến 2 tuần, mũi 3 cách mũi 2 ít nhất 1 năm và sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 mũi cho đến khi trẻ đủ 15 tuổi, nhưng chắc bác Cactus mới về nên chưa rõ trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì chúng ta chỉ tiêm cho trẻ 3 mũi thôi bác Cactus ạ”. Cactus nghe xong mà ức lắm, cái gì mà “mới về nên chưa rõ”, khinh thường nhau à? Nghĩ thế Cactus lại đứng dậy nói tiếp“vắc xin VNNB phải tiêm tới lúc trẻ được 15 tuổi mới đảm bảo mà sao chương trình lại chỉ tiêm có 3 mũi thôi vậy, em đề nghị nên tăng số mũi tiêm miễn phí cho trẻ lên, ít nhất cũng phải đến lúc trẻ 10 tuổi mới được”. Anh chuyên trách vẫn cố tỏ ra kiên nhẫn “vì liên quan đến tài chính quốc gia nên chương trình tiêm chủng mở rộng chỉ có thể đảm bảo cho trẻ được 3 mũi ban đầu thôi, với 3 mũi miễn phí này thì trẻ đã được miễn dịch cơ bản, còn các mũi nhắc lại thì gia đình phải đưa trẻ đi tiêm dịch vụ, cho nên trong buổi tập huấn này chúng ta chỉ thảo luận về 3 mũi cơ bản trong tiêm chủng mở rộng thôi bác ạ”. Cactus hơi đuối lý nhưng vẫn không hề nao núng, cố vớt vát tí cứng cỏi“vậy thì em đề nghị phải tập huấn cho nhân viên tiêm chủng biết, để sau khi họ tiêm xong mũi 3 cho trẻ sẽ tư vấn cho bà mẹ đưa trẻ đi tiêm mũi 4, mũi 5”. Anh chuyên trách lại mỉm cười “điều đó dĩ nhiên phải có rồi, cảm ơn bác Cactus”. Cactus chưa chịu thua, hỏi tiếp “em nghe anh nói tiêm 3 mũi vắc xin VNNB thì sẽ có miễn dịch cơ bản, vậy cụ thể là bao nhiêu phần trăm ạ? Anh chuyên trách hết cười, ấp úng; cả hội trường xì xào. Thấy anh bác sĩ chuyên trách tiêm chủng gãi đầu gãi tai mà Cactus hả hê lắm, ai bảo khinh thường Cactus làm chi. Liền lúc đó, bác trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm – Vắc xin sinh phẩm đứng dậy gỡ rối cho nhân viên, bác nói “tôi xin trả lời câu hỏi của bác Cactus như thế này: vắc xin VNNB có nhiều loại, ở nước ngoài họ sử dụng vắc xin bất hoạt sản xuất trên tế bào Vero có tỷ lệ đáp ứng miễn dịch sau 2 mũi tiêm đạt 95%, hoặc vắc xin bất hoạt tinh khiết sản xuất từ tế bào não chuột do Nhật Bản sản xuất có tỷ lệ đáp ứng miễn dịch sau 2 mũi tiêm là 91%, sau 3 mũi là 97%, còn vắc xin mà chúng ta đang sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc xin do Việt Nam sản xuất, đây là loại vắc xin bất hoạt tinh khiết sản xuất từ tế bào não chuột có tỷ lệ đáp ứng miễn dịch sau 3 mũi tiêm đạt 97,95%. Không biết câu trả lời của tôi đã làm bác Cactus hài lòng chưa”. Cactus rất bất ngờ và choáng ngợp trước phong thái của bác trưởng khoa và những kiến thức mà bác ấy cung cấp, tự nhủ người làm lâu năm có khác. Nhưng Cactus nào dễ chịu thua như vậy, đối đáp lại liền: “cháu xin cảm ơn bác về những thông tin mà bác đã cung cấp, theo như bác nói thì mặc dù tiêm đủ 3 mũi nhưng vẫn có 2,05% trẻ không có đáp ứng miễn dịch, vậy nếu những trẻ này bị muỗi Culex đốt thì sẽ có khả năng mắc bệnh, vậy tại sao chúng ta không khuyến cáo người dân đề phòng, tránh bị muỗi đốt mà chỉ chú trọng vào mỗi việc tiêm vắc xin, liệu có phải chúng ta quá phụ thuộc vào vắc xin không ạ?”. Bác trưởng khoa lại ôn tồn trả lời, “đúng như bác Cactus nói, nếu muỗi Culex Tritaeniorhynchus hoặc Culex Vishnui mang virus VNNB và đốt trẻ em nằm trong số 2,05% kia thì trẻ có thể bị nhiễm bệnh, cho nên chúng tôi vẫn luôn tích cực tuyên truyền người dân tránh để bị muỗi đốt, tuy nhiên việc tránh muỗi đốt không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả 100%, nhất là ở các vùng quê, nông thôn có nhiều muỗi thì việc tránh để muỗi đốt là không dễ, do đó việc chủ động phòng bệnh bằng vắc xin vẫn có tầm quan trọng hơn rất nhiều. Ngoài ra, vấn đề kinh phí cũng là một nguyên nhân khiến chúng ta phải cân nhắc nữa bác Cactus ạ”. Lại là kinh phí, hễ có khó khăn là cứ kêu tại vì kinh phí, tại không có tiền, chẳng lẽ làm cái gì cũng cứ phải có tiền sao, những người trẻ như Cactus đây có bao giờ đòi hỏi chuyện tiền bạc đâu, nghĩ thế Cactus ức chế lắm. Cactus liền đứng dậy phát biểu tiếp “theo như bác nói thì một trong các nguyên nhân là kinh phí, thế chẳng lẽ không có giải pháp nào để có thêm kinh phí hay sao? Sao không cắt giảm kinh phí của các chương trình phòng chống các bệnh nhà giàu như chương trình phòng chống đái tháo đường, phòng chống béo phì… để tập trung cho việc giúp đỡ người nghèo hơn, để tuyên truyền phòng chống muỗi? Chẳng thể nào diệt được hết muỗi bằng cách phun thuốc thì sao chúng ta không bỏ việc phun thuốc luôn, phun mà không diệt được hết muỗi thì đừng phun nữa, sử dụng kinh phí đó để tuyên truyền, để mua mùng, mua nhang trừ muỗi cho nhân dân đi, vừa bảo vệ môi trường, được nhân dân hưởng ứng mà lại phòng chống muỗi đốt hiệu quả nữa”. Bỗng dưng cả hội trường vỗ tay rầm rầm, ai nấy vừa cười vừa lúc lắc cái đầu, chắc là họ vui quá, chắc là họ mừng quá, có lẽ đã lâu lắm rồi mới có một người dám đứng ra nói những điều không ai dám nói nên họ mới vỗ tay động viên Cactus như vậy. Trong lúc Cactus đang tận hưởng niềm hân hoan ấy thì bác trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm có vẻ đã “bó tay”, vẻ mặt bác vừa muốn bật cười nhưng lại cố tỏ ra cực kỳ nghiêm túc. Liền lúc đó, anh trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính đứng dậy cầm lấy micro rồi nhìn một lượt khắp hội trường, ánh mắt anh dừng lại chỗ Cactus rồi cất lời với một giọng điệu cực kỳ trịnh trọng “vì có liên quan đến tài chính nên xin phép hội trường cho phép tôi được giải trình, xin báo cáo với bác sĩ Cactus là kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cùng với những khoản kinh phí liên quan đã được xây dựng dựa trên những căn cứ thực tế, từ việc rút kinh nghiệm của việc thực hiện kế hoạch những năm qua, và ngay từ đầu năm các kế hoạch này cũng đã được ủy ban nhân dân tỉnh, sở y tế phê duyệt nên ngay lúc này chúng tôi cũng không thể thay đổi được, nếu bác sĩ Cactus có nguyện vọng đóng góp ý kiến xây dựng cho các kế hoạch này thì chúng tôi rất vui lòng được đón tiếp bác tại phòng Kế hoạch – Tài chính, để rồi kế hoạch sang năm chúng ta sẽ có sự điều chỉnh phù hợp hơn, xin cảm ơn bác”. Anh trưởng phòng dứt lời thì bác trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm nói tiếp “có lẽ trong buổi hôm nay chúng ta chỉ nên tập trung vào nội dung chính của chương trình và thảo luận đến các vấn đề chuyên môn thôi mọi người nhỉ?”.
Cactus ngồi nãy giờ đã đọc rất kỹ tài liệu, nên đã chuẩn bị sẵn một mớ câu hỏi, thấy bác trưởng khoa nói vậy thì Cactus vội hỏi liền “thưa bác, trong lịch tiêm vắc xin VNNB, mũi 2 cách mũi 1 từ 1 đến 2 tuần, tức là tối thiểu 1 tuần, tối đa 2 tuần, vậy nếu trong thời gian hẹn đó mà trẻ bị ốm không thể tiêm được thì phải tính sao ạ?”. Hỏi xong, Cactus đắc ý mỉm cười trong bụng, ai bảo bác tự nhiên chui vô tròng làm chi, cháu cho bác vô được mà ra không được cho coi. Anh bác sĩ chuyên trách nãy giờ đứng ngó qua ngó lại màn đối đáp giữa bác trưởng khoa và Cactus, giờ thấy câu hỏi dễ thì nhảy vô trả lời để lấy công chuộc tội liền, ảnh nói “theo chỉ định của nhà sản xuất, mũi 2 cách mũi 1 từ 1 đến 2 tuần, nếu trong thời gian hẹn đó mà trẻ bị ốm thì chúng ta sẽ hẹn sang ngày tiêm chủng của tháng sau để tiêm lại mũi 1, rồi sẽ hẹn trẻ 1 đến 2 tuần sau tới tiêm mũi 2”. Chẳng đợi bác trưởng khoa phản ứng, Cactus chộp lấy liền“thế nếu trong 1 đến 2 tuần đó mà trẻ lại bị ốm thì anh lại hẹn tiếp tháng sau nữa tới tiêm lại mũi 1 hả anh? Nếu tháng nào trẻ cũng bị ốm thế thì chẳng bao giờ trẻ được tiêm mũi 2 cả”. Anh chuyên trách ngớ người, lúng ta lúng túng như gà mắc tóc, một lần nữa bác trưởng khoa lại vào giải vây, bác nói “do bác sĩ chuyên trách của chúng ta trước giờ làm ở tiêm chủng dịch vụ quen rồi nên có sự nhầm lẫn nhẹ, trong tiêm chủng dịch vụ thì nếu quá thời gian hẹn mà trẻ vẫn chưa được tiêm mũi 2 thì chúng ta sẽ tiêm lại mũi 1, vì tiêm chủng dịch vụ ngày nào cũng tiêm cả nên hẹn 7 ngày mà trẻ ốm thì 9 ngày, 11 ngày trẻ hết ốm tới tiêm cũng được, nhưng trong tiêm chủng mở rộng thì khác, mỗi tháng chỉ tiêm trong một vài ngày nên đến lịch hẹn mà trẻ bị ốm thì chúng ta không thể hẹn trẻ ngày nào hết ốm thì tới tiêm, bởi như thế sẽ hao phí vắc xin rất lớn. Do đó tôi đã xin ý kiến của Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia rồi, trong tiêm chủng mở rộng thì có khoảng cách tối thiểu mà không có khoảng cách tối đa, cho nên nếu trong thời gian từ 1 đến 2 tuần đó mà trẻ bị ốm không tiêm được thì chúng ta sẽ hẹn trẻ tới tiêm mũi 2 vào tháng tiếp theo, như vậy trong trường hợp này mũi 2 sẽ cách mũi 1 đến 30 ngày, và nếu đến ngày đó mà trẻ lại bị ốm thì chúng ta có thể hẹn tới tháng tiếp theo để tiêm mũi 2, nhưng nếu đến tháng thứ 3 thì thôi, phải tiêm lại mũi 1 nhé”. Cactus chẳng để bác trưởng khoa kịp nghỉ ngơi, liền hỏi tiếp “chứ nếu mũi 2 cách mũi 1 tới 30 ngày thì có hiệu lực nữa không? Nếu vẫn có hiệu lực thì tại sao chương trình không quy định khoảng cách giữa 2 mũi là 1 tháng luôn để cho trạm y tế đỡ vất vả ạ?” Bác trưởng khoa có vẻ không biết mệt, vẫn kiên nhẫn trả lời “những trường hợp mũi 2 cách mũi 1 tới 30 ngày là bất khả kháng thôi, miễn dịch tất nhiên sẽ không bằng được so với trẻ được tiêm đúng lịch, do đó với những trường hợp trẻ khoẻ mạnh, không ốm đau thì chúng ta vẫn phải tuân thủ đúng lịch tiêm để đảm bảo miễn dịch cho trẻ. Bác Cactus còn có câu hỏi nào khác không? Cactus đứng lên, định hỏi tiếp thì thấy bàn bên có anh nào đó nháy mắt ra hiệu, chẳng biết muốn nói điều gì, cạnh đó có một anh khác nhìn Cactus với ánh mắt hằm hè như muốn đánh nhau, ở cuối hội trường có mấy bác lớn tuổi với mấy chị thì nằm gục trên bàn, tay xoa xoa bụng như người đang đói vậy. Liếc nhìn đồng hồ thấy đã gần 12 giờ trưa, Cactus mới nhẹ nhàng bảo “dạ, cháu không hỏi gì nữa ạ”, lập tức cả hội trường vỗ tay rào rào làm Cactus bất ngờ, ngượng chín mặt, biết là họ nể phục Cactus lắm nhưng có nhất thiết cứ phải phô trương làm người ta thấy ngại như thế này không – Cactus thầm nghĩ và mỉm cười đầy tự hào.
Lúc ra khỏi hội trường, có một anh cán bộ ở huyện vỗ vai Cactus hỏi “chắc bác Cactus cầm tinh con ngựa nhỉ?”. “Dạ đúng rồi, sao anh biết hay vậy?” – Cactus ngạc nhiên hỏi lại, thầm nghĩ lẽ nào người ta hâm mộ đến mức mới đó mà đã truyền tai nhau về tên tuổi Cactus rồi sao! Anh kia thủng thẳng cười đáp “tại tui thấy bác đá hăng quá mà”.