Chẩn đoán viêm loét giác mạc

Chẩn đoán viêm loét giác mạc

Viêm loét giác mạc là một tình trạng bệnh lý thường đưa đến giảm thị lực hoặc mù loà. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh thường khó điều trị và thường để lại sẹo gây giảm thị lực trầm trọng.


Viêm loét giác mạc có tỷ lệ cao và hay gặp ở các nước nghèo – đang phát triển. Tình trạng khí hậu nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho nhiễm trùng giác mạc, mức sống thấp và ý thức vệ sinh phòng bệnh chưa cao làm cho bệnh thêm trầm trọng, làm tăng tỷ lệ mù lòa trên thế giới. Những tổn thương bề mặt nhãn cầu như: chấn thương, hở mi, khô mắt, giảm cảm giác giác mạc, bệnh giác mạc bọng, bệnh giác mạc hậu herpes, dùng thuốc nhỏ corticoides kéo dài… đều là những yếu tố thuận lợi gây viêm loét giác mạc.

Yếu tố nguy cơ

Sang chấn: Thường là do các tác nhân ngoại sinh, các tác nhân này vào mắt theo cát bụi hoặc có sẵn ở túi lệ do viêm túi lệ. Trước khi bị nhiễm khuẩn thường xuất hiện các tác nhân sau:
– Sang chấn trong sinh hoạt: Bụi, đất, cát đá văng vào mắt…
– Trong nông nghiệp: Thường gặp trong mùa gặt lúa do hạt thóc, cọng rơm, lá lúa văng vào mắt. Loại chấn thương này thường do trực khuẩn mủ xanh, nấm.
– Trong công nghiệp: Do dị vật công nghiệp bắn vào mắt.
Biến chứng của bệnh mắt hột: Lông xiêu, lông quặm quét vào gây xước giác mạc.
Do điều trị sai: Bệnh nhân tự đắp ếch nhái vào mắt hoặc điểm các loại thuốc chứa Corticoid mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa mắt.
Do suy dinh dưỡng: Thường gặp ở trẻ dưới 6 tuổi bị suy dinh dưỡng dẫn đến thiếu vitamin A. Khi thiếu vitamin A các tế bào biểu mô của giác mạc sẽ bị khô và bong rụng tạo thuận lợi cho viêm loét giác mạc.
Do hở mi: Mắt nhắm không kín nên giác mạc không được bảo vệ làm khô giác mạc gây viêm loét giác mạc.
Do liệt dây thần kinh số V: Giác mạc không được bảo vệ nhờ phản xạ nhắm mắt, loét giác mạc do liệt dây V bệnh nhân không đau nhức và không chảy nước mắt.
Tăng nhãn áp: Làm tế bào biểu mô kém sức chống đỡ dễ loét giác mạc.

Triệu chứng lâm sàng

Triệu chứng cơ năng
Có 3 triệu chứng chính: Mắt đau nhức, chói sáng, chảy nước mắt sống và giảm thị lực. Thị lực giảm nhiều hay ít tuỳ theo vị trí tổn thương trên giác mạc.

Triệu chứng thực thể
Viêm giác mạc
– Cương tụ rìa hoặc cương tụ toàn bộ.
– Giác mạc có những đám đục, hình chấm hoặc đốm tuỳ theo hình thái viêm.
– Đôi khi có tân mạch giác mạc trong những viêm giác mạc sâu có nguyên nhân toàn tân như lao, giang mai.
– Thử nghiệm Fluorescine (-).
– Tiền phòng sâu sạch.
– Đồng tử phản xạ ánh sáng (+)

Loét giác mạc
– Mi mắt co quắp
– Kết mạc cương tụ rìa hoặc cương tụ toàn bộ, kết mạc nhãn cầu phù nề.
– Fluorescine (+).
– Tại mống mắt: độc tố vi khuẩn thấm qua giác mạc vào tiền phòng gây viêm mống mắt, mống mắt phù nề cương tụ.
– Tiền phòng: vẫn đục hay có mủ tiền phòng.
– Giác mạc mất tính chất trong suốt và đều đặn, trên bề mặt giác mạc có ổ loét.
Tuỳ theo nguyên nhân mà ổ loét có những đặc điểm sau:

Loét giác mạc do vi khuẩn:
+ Tác nhân: Lậu cầu, tụ cầu, phế cầu, liên cầu, trực khuẩn mủ xanh…
+ Bệnh thường diễn biến nhanh.
+ Kích thích dữ dội gây đau nhức nhiều.
+ Hình dạng ổ loét có thể tròn hoặc hình bản đồ, giới hạn rõ.
+ Bờ ổ loét có thể gồ cao hơn biểu mô giác mạc.
+ Ổ loét hoại tử lõm xuống, đáy ổ loét có nhiều chất hoại tử bẩn.
+ Thẩm lậu lan rộng ra xung quanh ổ loét.
+ Mủ tiền phòng

Loét giác mạc do nấm:
+ Là tổn thương viêm loét đứng hàng thứ 2 sau vi khuẩn về tần xuất gặp.
+ Bệnh thường xuất hiện sau một vi chấn thương do thực vật (bụi, cành cây, lá lúa…), sau khi dùng thuốc corticoid, ức chế miễn dịch kéo dài.
+ Diễn biến chậm, kích thích ít và kéo dài.
+ Hình ảnh lâm sàng điển hình là một ổ loét tròn hoặc hình oval màu trắng xám hoặc hơi vàng.
+ Đáy phẳng và chứa chất hoại tử khô, đôi khi tạo vảy hơi gồ lên trên bề mặt giác mạc.
+ Có thể thấy các ổ loét vệ tinh xung quanh.
+ Bờ ổ loét có những tua xâm lấn vào nhu mô lành (dấu hiệu chân giả).
+ Gây phản ứng vòng miễn dịch (là vòng trắng bao quanh ổ loét trung tâm thường còn 1 khoảng giác mạc còn trong từ bờ ổ loét đến vòng này).
+ Mủ tiền phòng tăng giảm bất thường là một đặc điểm của viêm loét giác mạc do nấm.

Loét giác mạc do virus: phần lớn là do virus Herpes.
– Là bệnh hay gặp đứng hàng thứ 3 sau vi khuẩn và nấm.
– Triệu chứng kích thích giác mạc không nhiều do giảm cảm giác giác mạc.
– Gây bệnh trên giác mạc biểu hiện qua 3 hình thái sau:
+ Hình thái nông: Trên giác mạc có hình ảnh như cành cây, hình bản đồ.
+ Hình thái sâu: Đây là dạng viêm giác mạc hình đĩa, viêm toàn bộ nhu mô giác mạc.
+ Hình thái tái phát: Tổn thương tái phát trên nền sẹo giác mạc cũ. Đây là hình thái điển hình của viêm giác mạc do virus. Khi được điều trị, virus trở về dạng không hoạt động, khi có điều kiện thuận lợi virus trở lại dạng hoạt động và gây bệnh.

 

Cận lâm sàng

– Nhuộm Fluorescine: nhỏ 1 giọt thuốc nhuộm Fluorescine vào mắt và quan sát dưới ánh đèn xanh Coban. Nếu thấy xuất hiện ổ bắt màu thuốc nhuộm là test Fluoresscine (+), nếu không bắt màu là Fluorescine ( -).
– Soi tươi: lấy bệnh phẩm tại bờ ổ loét giác mạc đem soi tươi tìm vi nấm (nấm men hoặc nấm sợi vách ngăn)
– Nhuộm Gram: xác định vi khuẩn gram (-), gram (+)
– Nuôi cấy làm kháng sinh đồ.


Bệnh võng mạc tăng huyết áp

Leave a Reply