Chẩn đoán tăng huyết áp? JNC 7 và JNC 8

Chẩn đoán tăng huyết áp

Huyết áp là một trong những dấu hiệu sinh tồn của con người. Chẩn đoán tăng huyết áp là vấn đề thường được đặt ra trong thực hành lâm sàng.


Dựa trên mức huyết áp trung bình của ≥2 lần đo đúng của ≥2 lần khám tầm soát ban đầu (ít nhất 2 lần khám, mỗi lần khám đo ít nhất 2 lần, cách nhau khoảng 1-2 phút), bệnh nhân có thể được phân loại là huyết áp bình thường, tiền THA, THA giai đoạn 1 và THA giai đoạn 2. Bệnh nhân được chẩn đoán là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu >=140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương >=90mmHg.

Khi chẩn đoán tăng huyết áp cần chú ý các trường hợp tăng huyết áp tạm thời do bệnh lý nghiêm trọng nào đó mà bệnh nhân đang mắc phải.


Phân loại tăng huyết áp theo JNC 7:

Phân loại HATT (mmHg) HATTr (mmHg)
Bình thường <120 và <80
Tiền THA 120-139 hoặc 80-90
THA giai đoạn I 140-159 hoặc 90-99
THA giai đoạn II ≥160 hoặc ≥100

Trong JNC 8, không còn khái niệm tăng huyết áp và tiền tăng huyết áp mà thay vào đó là các mốc HA để bắt đầu điều trị bằng thuốc hạ áp. Khi bệnh nhân đạt các mốc huyết áp này thì tiến hành điều trị ngay bằng thuốc mà không cần phải điều chỉnh lối sống trước. Tuy nhiên việc điều chỉnh lối sống luôn là điều trị cơ bản xuyên suốt quá trình kiểm soát huyết áp.


Xem thêm: Tăng huyết áp khẩn cấp và tăng huyết áp cấp cứu


Thông tin bên lề

Hơn 10 năm kể từ khi JNC 7 ra đời vào năm 2003, giới y học đã rất nóng lòng vì đã chờ khá lâu cho một JNC 8 “muộn”. 10 năm với các nghiên cứu và nhiều phiên bản cập nhật khuyến cáo từ ESC, CCS, NICE,… đã qua thì đến ngày 18 tháng 12 năm 2003 trên tạp chí JAMA, các thành viên của hội đồng JNC 8 đã đăng khuyến cáo dựa trên bằng chứng về xử trí tăng huyết áp ở người trưởng thành.

Đích đến cho khuyến cáo xuất phát từ 3 câu hỏi:

Đối với người trưởng thành bị cao huyết áp, khởi trị bằng thuốc tại những ngưỡng HA chuyên biệt có làm cải thiện các kết cục về sức khỏe?

Ở những bệnh nhân này, điều trị bằng thuốc để đạt những đích huyết áp chuyên biệt có làm cải thiện các kết cục về sức khỏe?

Ở những bệnh nhân này, các thuốc hay nhóm thuốc có khác nhau về lợi ích và nguy hại trên những kết cục về sức khỏe chuyên biệt?

Những điểm khác so với các khuyến cáo trước:

Khi huyết áp bệnh nhân vượt ngưỡng quy định cho điều trị bằng thuốc, cần dùng thuốc để đạt mức đích HA khuyến cáo mà không cần thay đổi lối sống trước rồi mới dùng thuốc; thay đổi lối sống được thực hiện xuyên suốt quá trình điều trị.

Tuổi 60 là mốc ranh giới để áp dụng cho các mức đích huyết áp khác nhau; các khuyến cáo ESC 2013 và CHEP 2012 chọn ranh giới phân định là 80 tuổi.

Thuốc ức chế beta không nằm trong danh sách chọn lựa điều trị ban đầu nếu không có các chỉ định mang tính bắt buộc, chúng chỉ xuất hiện trong chế độ điều trị khi đã phối hợp 3 thuốc mà không hiệu quả.

Ở bệnh nhân đái tháo đường và bệnh thận mạn, mức huyết áp được xác định là <140/90 mmHg chứ không là <130/80 mmHg như trước do không cho thấy lợi ích trên tử vong, kết cục về tim mạch, đột quỵ ở hai mức HA. Đối với ĐTĐ các thuốc có thể sử dụng với mức khuyến cáo ngang nhau (lợi tiểu, chẹn Calci, ức chế men chuyển hay ức chế thụ thể) còn đối với bệnh thận mạn ưu tiên nhóm ức chế men chuyển và ức chế thụ thể nhằm làm giảm sự tiến triển của bệnh thận. 

Trong phối hợp thuốc, ta có thể chọn 1 trong các chiến lược A, B, C từ bốn nhóm thuốc trong danh sách nhưng trước khi thêm thuốc thứ ba cần tăng liều tối đa 2 thuốc đang dùng.


Chẩn đoán tăng huyết áp – Y học lâm sàng

Leave a Reply